DHBK

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng làm việc với Tổ hợp Pháp trong khuôn khổ tuần lễ Họp Hội đồng Hoàn thiện quốc gia PFIEV năm 2023

23/11/2023 13:41

Trong khuôn khổ tuần lễ Họp Hội đồng Hoàn thiện quốc gia Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) năm 2023, chiều ngày 22/11/2023, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) và Tổ hợp các trường đại học tại Pháp đã tổ chức cuộc họp nhằm tổng kết các hoạt động năm học 2022-2023 và đề ra phương hướng hoạt động cho năm học 2023-2024.


Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự phiên họp, về phía Pháp có: Ông Thibaut Skrzypek, Điều phối Tổ hợp Pháp, Trường ENPC; Ông Sébastien Houcke, Trường IMT Atlantique; Ông Christian Obrecht, Trường INSA Lyon; Ông Christophe Bobineau, Trường Grenoble INP-UGA; Bà Claudia Frydman, Trường Polytech Marseille; Ông Pierre-Eymeric Janolin, Trường CentraleSupélec; Ông Allel Hadjali, Trường ENSMA; Bà Andrea Werner, Trường Grenoble INP-UGA; Ông Pascal Maussion, Trường Toulouse INP. Về phía khách mời có TS. Đỗ Kim Thành, Trưởng khoa Khoa Tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ; Ông Samuel DELAMEZIERE, Giám đốc Viện Pháp tại Đà Nẵng. Về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng, Đại diện lãnh đạo các Phòng: Đào tạo, Tổ chức hành chính, Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế và Đại diện lãnh đạo các Khoa: Khoa học Công nghệ tiên tiến, Khoa Cơ khí, Khoa Điện, Khoa Công nghệ thông tin cùng các thầy cô giảng viên phụ trách chương trình PFIEV.


PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng
Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng phát biểu chào mừng và chủ trì phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên làm việc, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, ĐHĐN nồng nhiệt chào mừng đoàn công tác của Tổ hợp Pháp đến tham dự Họp Hội đồng hoàn thiện giữa Trường Đại học Bách khoa,  ĐHĐN và Tổ hợp PFIEV Pháp. Đồng thời, Hiệu trưởng đã gửi lời cảm ơn các đối tác trong Tổ hợp PFIEV đã giúp đỡ, hỗ trợ Nhà trường trong công tác đào tạo và công tác chung của Tổ hợp trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng các dự án chung trong thời gian đến.

Ông Thibaut Skrzypek, Điều phối Tổ hợp Pháp, Trường ENPC phát biểu cảm ơn sự đón tiếp rất chu đáo của Nhà trường dành cho đoàn và bày tỏ hy vọng thông qua buổi làm việc sẽ thống nhất các nội dung trao đổi, thảo luận của 2 bên trong hoạt động cải tiến chương trình PFIEV trong năm học 2023-2024.


Ông Thibaut Skrzypek (bên trái), Điều phối Tổ hợp Pháp, Trường ENPC.

Tại cuộc họp, TS. Lê Quốc Huy - Phụ trách chương trình PFIEV đã trình bày báo cáo về việc triển khai các hoạt động của chương trình PFIEV năm học 2022-2023 và phương hướng hoạt động cải tiến chương trình (Kiểm định HCERES, hợp tác doanh nghiệp, …) trong năm học 2023-2024.


TS. Lê Quốc Huy - Phụ trách chương trình PFIEV trình bày báo cáo về các hoạt động của chương trình PFIEV trong năm học 2022 - 2023.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo, tuyển sinh, kết quả sinh viên tốt nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, việc hợp tác trong công tác kiểm định trường; chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên; thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam … Theo đó, hai bên đã thống nhất sẽ phối hợp để thực hiện các nội dung trong năm học 2023 - 2024, bao gồm:

- Tiếp tục rà soát và nâng cao chất lượng các học phần thực hành, thí nghiệm thông qua các giải pháp như sửa chữa và nâng cấp thiết bị thí nghiệm, quản lý hiệu quả việc sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm hiện có giữa các khoa; tận dụng tối đa chương trình trao đổi giảng viên giữa hai tổ hợp (chương trình MCA, chương trình trao đổi dành cho các giáo sư Pháp sang công tác tại Việt Nam).

- Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá chương trình PFIEV: đẩy mạnh quảng bá trực tiếp đến các Trường cấp 3 (giáo viên và học sinh).

- Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp: nâng cao chất lượng các đợt thực tập tại doanh nghiệp, làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp; gặp gỡ với doanh nghiệp ít nhất 01 lần/01 năm; xem xét thiết lập Hội đồng doanh nghiệp PFIEV và triển khai hiệu quả các MoU ký kết với các doanh nghiệp.

- Tiếp tục hợp tác với Viện Pháp tại Đà Nẵng trong việc giảng dạy tăng cường tiếng Pháp cho sinh viên.

- Với định hướng trở thành trung tâm đào tạo công nghệ vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Bách khoa,  ĐHĐN sẽ phối hợp với các đối tác để xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến trong lĩnh vực bán dẫn cũng như tăng cường các hợp tác trong nghiên cứu khoa học và phát triển các sản phẩm bán dẫn.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc này, Trường Đại học Bách khoa,  ĐHĐN đã ký kết thỏa thuận hợp tác trao đổi sinh viên với Trường Đại học Grenoble INP - UGA. Theo đó, sinh viên nhà trường sẽ có nhiều cơ hội hơn để có thể tham gia các chương trình trao đổi giữa hai bên như chương trình thực tập tốt nghiệp, làm đồ án tốt nghiệp tại các doanh nghiệp Pháp.


Trường Đại học Bách khoa,  ĐHĐN ký kết thỏa thuận hợp tác trao đổi sinh viên với Trường Đại học Grenoble INP - UGA

Cuộc họp đã kết thúc tốt đẹp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm hoàn thiện và phát triển bền vững PFIEV - Chương trình đào tạo được đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay trong hợp tác về giáo dục đại học giữa hai nước Pháp -Việt Nam.


PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến chương trình PFIEV

Chương trình PFIEV được thành lập năm 1999 theo thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp. Tại Việt Nam, bốn trường đại học kỹ thuật hàng đầu được lựa chọn tham gia chương trình PFIEV, gồm: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Về phía Pháp, một tổ hợp các trường đại học hàng đầu là đối tác của PFIEV được thành lập để tư vấn cho chương trình gồm: Trường Quốc gia Cầu đường Paris, Viện quốc gia Khoa học ứng dụng Lyon, Trường Trung tâm Paris, Viện quốc gia Bách khoa Grenoble, Trường Đại học Quốc gia Cơ học và Kỹ thuật hàng không Poitiers, Trường Đại học Quốc gia Kỹ thuật điện, điện tử, tin học, thủy lực và viễn thông Toulouse, Trường Đại học Quốc gia Viễn thông Bretagne và Trường Lycée Louis le Grand. Thông qua các cuộc họp Hội đồng hoàn thiện được tổ chức hàng năm, chương trình PFIEV đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, liên tục được cập nhật, nhằm cải tiếnmục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, khu vực và quốc tế.


Đại biểu chụp hình lưu niệm

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN