DHBK

Báo Văn hóa: Tạo hành trang văn hóa cho sinh viên Kiến trúc

18/01/2024 17:01

Sinh viên tiến hành đo đạc, phác thảo kiến trúc cổ trên địa bàn huyện Hòa Vang

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), các công trình thực hiện đo đạc không nằm trong danh mục được Nhà nước và TP Đà Nẵng bảo vệ, chưa có hồ sơ quản lý, nên đa phần đã bị mai một, xuống cấp. Hoạt động khảo sát và đo đạc này là bước đầu tiên để làm hồ sơ quản lý công trình, cũng là cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn, trùng tu sau này.

Là người đồng hành cùng các bạn sinh viên đi tới từng công trình kiến trúc để hoàn thiện các bản vẽ, KTS Nguyễn Thị Hiền (trợ giảng khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết: “Đây là lần đầu tiên sinh viên kiến trúc được tham gia khảo sát tại các công trình văn hóa, di sản, các em rất hào hứng và say mê với nhiệm vụ của mình. Việc thực hiện khảo sát này rất ý nghĩa và cần thiết, vừa giúp các em rèn luyện thêm kiến thức, kỹ năng trong ngành học, vừa là cách để tăng cường ý thức trách nhiệm của người trẻ trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Các em đều là sinh viên năm thứ 2, chuyến đi này giống một chuyến trải nghiệm, các em đã thực hành một cách tốt nhất khi tiếp cận và đo đạc chính xác mà vẫn không làm ảnh hưởng đến các công trình văn hóa đang bị xuống cấp”.

Từ tháng 8 năm 2023, khoa Kiến trúc đã tổ chức 8 nhóm nghiên cứu với 100 sinh viên, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, thực hiện đo vẽ tại 13 công trình tôn giáo, nhà cổ dân gian. Tại đây, các nhóm sinh viên đã tiến hành tìm hiểu và đo vẽ, tái hiện lại các công trình thông qua các bản vẽ chi tiết, lập hồ sơ hoàn chỉnh về di tích, di sản chưa có dữ liệu. Qua đó giúp địa phương thuận lợi hơn trong việc lưu trữ, trùng tu, bảo dưỡng hoặc khôi phục các công trình.

Sinh viên Đoàn Ngọc Thạch cho biết: “Qua khảo sát, chúng em thấy nhiều công trình kiến trúc văn hóa dân gian đã bị sự tác động của thời tiết, thời gian khiến cho tường bị tróc lở, bào mòn, phai nước sơn. Chúng em đã tiến hành đo đạc, ghi chép tỉ mỉ, tái hiện công trình qua bản vẽ phác thảo. Công việc này đã giúp sinh viên kiến trúc chúng em thêm yêu thích môn học của mình, đồng thời hiểu rõ hơn về di sản cha ông để lại, từ đó nâng cao ý thức trong việc giữ gìn di sản văn hóa”.

Trước đó, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chính quyền huyện Hòa Vang trong lĩnh vực di sản, như viết báo cáo khoa học về kiến trúc thôn Phong Nam, đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết lập hệ thống quản lý phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc và cảnh quan làng cổ ở đồng bằng huyện Hòa Vang nhằm đảm bảo phát triển gắn với giữ gìn bản sắc của cộng đồng”; tổ chức workshop về “Kiến trúc quy hoạch ở Hòa Vang, Phong Nam” để các đoàn nghiên cứu tham gia trải nghiệm, hiến kế phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ di sản và bảo vệ hệ giá trị làng cổ Phong Nam 100 tuổi đời - ngôi làng lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng, hiện có 17 ngôi nhà cổ và một số công trình kiến trúc tâm linh đang bị xuống cấp.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc đánh giá, đây là hoạt động rất ý nghĩa và cần thiết đối với sinh viên, tăng hiệu quả học tập cho các em khi bài giảng được đi song song với thực hành. “Đối với sinh viên, chuyến đi khảo sát không chỉ là việc học mà còn là cơ hội giúp các em tiếp xúc với các công trình cổ có giá trị, có thêm hiểu biết về kiến trúc, văn hóa, mảnh đất của người dân miền Trung, tạo hành trang về văn hóa tốt hơn trong cả việc học và đời sống. Năm 2023 là năm đầu tiên chúng tôi phối hợp cùng các đơn vị triển khai bảo tồn các công trình kiến trúc, nhà cổ, do vậy chưa thể làm hết các công trình chưa nằm trong danh mục bảo vệ. Mong rằng năm 2024 sẽ thực hiện được nốt các hạng mục chưa kịp làm. Về lâu dài, không chỉ huyện Hòa Vang mà chúng tôi muốn kết nối đến các quận, huyện có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa lịch sử lâu đời như Sơn Trà, Hải Châu, nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho nhà trường, đặc biệt trong việc đào tạo sinh viên và giúp các địa phương giữ gìn các công trình kiến trúc di sản, văn hóa có giá trị”. 

Tin và bài trên báo in - Báo Văn hóa

 Theo NGỌC HÀ (BÁO VĂN HÓA)