DHBK

Bộ môn Công nghệ Thực phẩm

06/04/2017 13:46

GIỚI THIỆU

Gắn liền với sứ mệnh của Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Bách Khoa, Bộ môn Công nghệ thực phẩm-Khoa Hóa hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm ở Miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung, từng bước tiếp cận trình độ các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ môn hình thành năm 1978 cùng với sự ra đời của Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa. Với thế hệ các thầy cô giáo đầu tiên là những giảng viên giàu nhiệt huyết được đào tạo tại các cơ sở đào tạo Khoa học và Công nghệ thực phẩm giàu truyền thống ở trong và ngoài nước như Liên Xô (cũ), CH Dân chủ Đức (cũ), Ru-ma-ni, Cộng Hòa Pháp, những nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Bộ môn đã được xây dựng vững chắc. Đội ngũ các thầy cô kế cận đã và đang được trao cơ hội để học tập, rèn luyện tại các nước tiên tiến như Pháp, Tiệp Khắc, Úc, Nhật Bản, Nga, Đài Loan nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học trong thời kỳ mới.

Năm 2001 đánh dấu sự phát triển mới của Bộ môn với sự ra đời của ngành đào tạo Công nghệ sinh học và việc đổi tên thành Bộ môn Công nghệ sinh học-thực phẩm. Đến năm 2004, Bộ môn trở lại với tên Bộ môn Công nghệ thực phẩm, sau khi Bộ môn Công nghệ sinh học được tách ra thành lập mới.

Cùng với sự phát triển của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Bộ môn đã mở rộng quy mô đào tạo ở bậc đại học từ 20 sinh viên/năm ở những năm đầu đến hơn 100 sinh viên/năm hiện nay. Công tác đào tạo cao học được bắt đầu và duy trì liên tục từ năm 1993 đối với trình độ thạc sĩ  và từ năm 1995 đối với trình độ tiến sĩ .

Cơ sở vật chất từng bước được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu dạy học và nghiên cứu của Bộ môn, bao gồm các Phòng thí nghiệm Hóa sinh, PTN Vi sinh, PTN Công nghệ thực phẩm, PTN Đánh giá cảm quan và Xưởng Công nghệ thực phẩm.

Tự hào với những thành quả đã đạt được, Bộ môn Công nghệ thực phẩm cam kết không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển của xã hội, vì những sản phẩm thực phẩm bổ hơn, ngon hơn và an toàn hơn.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy:

PGS.TS  Đặng Minh Nhật

Trưởng Bộ môn

PGS.TS. Trương Thị Minh Hạnh

Giảng viên cao cấp

ThS. Trần Thế Truyền

Giảng viên chính

ThS. Nguyễn Trần Phương Thảo

NCS tại Úc

TS. Nguyễn Thị Trúc Loan

Giảng viên

ThS. Phạm Thị Hương

NCS tại Úc

ThS. Nguyễn Thị Đông Phương

NCS tại Nhật Bản

ThS. Nguyễn Thị Lê Thoa

NCS tại Úc

ThS. Đào Thị Anh Thư

NCS tại Úc

ThS. Nguyễn Xuân Hoàng

NCS tại Đài Loan

ThS. Bùi Viết Cường

Giảng viên

Nguyễn Thị Lan Anh

NCS tại Nga

KS. Huỳnh Đức

Giảng viên thực hành

ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Giảng viên thực hành

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

I. Chương trình đào tạo bậc đại học:

Ngành đào tạo: Công nghệ thực phẩm

A. Mục tiêu của chương trình

Chương trình đại học ngành Công nghệ thực phẩm đào tạo kỹ sư Công nghệ thực phẩm có kiến thức và kỹ năng để thiết kế, cải tiến, quản lý các dây chuyền công nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm; quản lý, kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

1. Mục tiêu chung:

Nhằm đào tạo những kỹ sư có phẩm chất chính trị vững vàng, có tư cách đạo đức, có sức khỏe, có nền tảng kiến thức toán và khoa học cơ bản ; kiến thức chuyên môn vững vàng; có những kỹ năng thực hành cơ bản và kỹ năng làm việc nhóm, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Công nghệ thực phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phẩm chất: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tư cách và đủ sức khỏe để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Kiến thức trang bị cho người học:

- Những kiến thức về Toán cũng như các kiến thức khoa học cơ bản như Vật lý, Môi trường…;

- Các kiến thức cơ sở ngành như Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa lý, Hóa phân tích, Hóa sinh, Hóa thực phẩm, Quá trình và thiết bị, Vi sinh vật;

- Các kiến thức chuyên ngành như Cơ sở thiết kế nhà máy, Cơ sở kỹ thuật thực phẩm, Thiết bị thực phẩm, Công nghệ chế biến các sản phẩm thực phẩm gồm các sản phẩm lên men (bia, rượu…), đường, bánh, kẹo, công nghệ chế biến lương thực, thịt, cá, sữa, chế biến các sản phẩm từ cây nhiệt đới như dầu thực vật, cà phê, ca cao..., Kỹ thuật bảo quản thực phẩm, Bao bì thực phẩm; Phân tích thực phẩm, Quản lý chất lượng thực phẩm.

Kỹ năng:

- Thiết kế lắp đặt, vận hành dây chuyền công nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm.

- Tổ chức các nghiên cứu tối ưu hóa quá trình sản xuất, các nghiên cứu phát triển sản phẩm.

- Thực hành phân tích chất lượng thực phẩm

Giao tiếp: Trang bị cho sinh viên những kỹ năng trình bày, giải thích các vấn đề chuyên ngành thông qua các báo cáo thí nghiệm, báo cáo thực tập, bảo vệ các đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp hay các báo cáo thuyết trình chuyên môn (semina).

Làm việc theo nhóm : Trang bị cho sinh viên cách làm việc hiệu quả trong các vai trò khác nhau, như tổ chức, quản lý để đạt hiệu quả trong thực hiện thuyết trình chuyên môn, thực tập chuyên ngành.

Ngoại ngữ: Trang bị cho sinh viên kiến thức ngoại ngữ tương đương Toeic  400.

Thái độ: Trang bị cho sinh viên ý thức trách nhiệm đối với công việc và cộng đồng; rèn luyện ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp.

B. Đầu ra của chương trình:

Sau khi tốt nghiệp từ chương trình, kỹ sư ngành Công nghiệp thực phẩm:

- Có khả năng tiếp cận về kiến thức, công nghệ và các thiết bị hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

- Có khả năng ứng dụng các kiến thức về Toán và Khoa học cơ bản vào ngành Công nghệ thực phẩm

- Có khả năng phân tích và xử lý kết quả thực nghiệm và áp dụng kết quả thực nghiệm trong cải tiến quá trình sản xuất

- Có khả năng áp dụng kiến thức trong việc thiết kế, lắp đặt dây chuyền công nghệ cũng như thiết bị

- Có khả năng tổ chức hiệu quả trong làm việc nhóm

- Có khả năng nhận dạng, phân tích và giải quyết những vấn đề về công nghệ

- Có khả năng trình bày kết quả 

- Có khả năng học tập liên tục

- Có khả năng hiểu biết về xã hội, môi trường

- Có khả năng sử dụng thiết bị, những kỹ năng và những công cụ kỹ thuật hiện đại cần thiết cho lĩnh vực chuyên môn.

- Có khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dùng

- Có khả năng giao tiếp ngoại ngữ 

C. Cơ hội làm việc:

Sau khi tốt nghiệp các kỹ sư Công nghệ thực phẩm có thể làm việc:

- Làm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

- Tư vấn, thiết kế tại các đơn vị chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, vật tư, phụ gia, hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

- Làm việc tại các cơ quan quản lý có liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Giảng dạy các môn chuyên ngành ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và các trường phổ thông.

- Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về nông sản và thực phẩm ở các Viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, các trường Đại học và cao đẳng.

II. Chương trình đào tạo cao học trình độ thạc sĩ:

Ngành đào tạo: Công nghệ thực phẩm

Mục tiêu: Chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm nhằm đào tạo thạc sĩ  kỹ thuật nắm vững những kiến thức mới về Khoa học và Công nghệ thực phẩm; có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề kỹ thuật trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, giảng dạy; thiết kế và lập dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Các mục tiêu cụ thể như sau:

- Trang bị kiến thức nâng cao về: Khoa học và Công nghệ thực phẩm  

- Nâng cao khả năng tự nghiên cứu trong lĩnh vực: Khoa học và Công nghệ thực phẩm

Khả năng đáp ứng nhu cầu KT – XH, hội nhập quốc tế sau khi tốt nghiệp: Học viên sau khi tốt nghiệp có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề kỹ thuật trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thiết kế và lập dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

III. Chương trình đào tạo cao học trình độ tiến sĩ:

Ngành đào tạo: Công nghệ thực phẩm

Mục tiêu: Đào tạo đội ngũ tiến sĩ có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm.           

Trang bị cho người học những kiến thức sâu và kỹ năng thực hành thành thạo cần thiết để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn; phát hiện và giải quyết được những vấn đề khoa học - công nghệ.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, người học có thể công tác tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu của các cơ sở sản xuất hoặc quản lý chất lượng có liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm.


CÁC THÔNG TIN KHÁC